
Lưu ý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khi trời trở lạnh
Khi trời trở lạnh cần chú ý giữ ấm thật kỹ cho người già, đặc biệt là ở khu vực cổ, ngực. Và đặc biệt tay, chân phản ứng chậm hơn nên luôn phải mang vớ để đảm bảo sức khỏe.
Đối với người cao tuổi, các cơ quan chức năng đã giảm hoạt động nên khả năng điều hòa thân nhiệt rất kém, do đó cơ thể dễ bị lạnh so với thời trẻ.
Chính điều này làm thay đổi hoạt động của các cơ quan chức năng như tim mạch, huyết áp… khi trời trở lạnh hoặc nóng quá. Nhất là khi trời lạnh sẽ tăng phản xạ co mạch máu làm huyết áp tăng lên, ảnh hưởng đến tim mạch… dẫn đến các chứng đột quỵ.
Vì thế, điều cần làm là giữ ấm thật kỹ cho người già, đặc biệt là ở khu vực cổ, ngực. Ngoài ra, hoạt động tim mạch lúc này cũng kém nên máu bơm đến các khu vực xa như tay, chân… chậm hơn, do đó chân người già luôn phải mang vớ, nếu thời tiết rét thì phải mang luôn cả vớ tay.
Về dinh dưỡng, nhu cầu dinh dưỡng người già cần cao hơn nhằm điều hòa thân nhiệt, giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, không nên tăng lượng thức ăn trong bữa chính mà tăng thêm bữa ăn phụ. Theo đó, bữa ăn chính vẫn đảm bảo cơm, canh, cá, thịt, rau, trái cây… Bữa ăn phụ chủ yếu cung cấp vi khoáng, canxi, kẽm… những chất này có nhiều trong các thực phẩm như hàu, ốc, sò… Cần thận trọng vì người già tiêu hóa kém, tốt nhất là cung cấp qua sữa tách béo đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cần thiết, đồng thời an toàn về mặt sức khỏe.
Nên dùng nước nấu chín, các loại nước ép trái cây tươi. Đặc biệt, các thức ăn không nên dùng cho người cao tuổi là: thịt mỡ, thịt đông, các loại giò chả, lạp xưởng, xúc xích, bánh kẹo, nước ngọt, rượu bia… vì vừa khó tiêu, lại có các chất bảo quản không có lợi cho sức khỏe người cao tuổi, gây gánh nặng cho tim mạch, gan, thận.
Đặc biệt mọi người thường bỏ qua việc bổ sung nước cho người già, do phản xạ khát của người già rất kém, bản thân họ luôn không cảm thấy khát, nên đến khi họ khát nghĩa là cơ thể đã thiếu nước trầm trọng. Trong khi trời lạnh, cơ thể cần nước nhiều hơn vì quá trình điều hòa thân nhiệt làm tăng chuyển hóa làm nóng cơ thể, đòi hỏi cần có nước. Để tạo thói quen nên chế sẵn nước trong chai, và cho người già uống theo định kỳ dù khát hay không. Uống ít nhất 1,5 lít ngày. Đừng nên sợ uống nhiều sẽ tiểu nhiều, vì việc tiểu nhiều cũng có lợi là thải độc tố ra ngoài một cách an toàn và lành mạnh. Chỉ hạn chế uống nhiều ban đêm để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Theo khuyến cáo của các bác sỹ, người già là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết thay đổi. Trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh như: viêm phổi, cảm lạnh, cúm với bệnh cảnh tiến triển nặng rất dễ dẫn đến viêm phổi; trong khi đó các bệnh mạn tính như hen suyễn, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp… cũng tiến triển nặng, đặc biệt tăng huyết áp dễ gây đột quỵ.
Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối sinh lý (có thể tự pha chế).
Một số bệnh trong mùa lạnh
Viêm mũi họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng vào mùa lạnh người cao tuổi hay gặp nhất gây nên hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước; đau rát họng gây ho, tức ngực, có khi gây khó thở.
Viêm họng mạn tính kéo dài (viêm họng hạt), hoặc viêm mũi mạn tính rát. Khi thời tiết thay đổi đều có khả năng tái phát trở lại. Người cao tuổi vào mùa lạnh còn hay mắc viêm phế quản, viêm phổi
Viêm phế quản, viêm phổi cấp tính ở người cao tuổi do lạnh, thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ ít được người nhà quan tâm do đó dễ dẫn đến bệnh nặng cho đến khi vào bệnh viện thì bệnh đã rất nặng.
Ngoài ra, một số người có bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính thì vào mùa lạnh bệnh rất dễ tái phát, dễ xuất hiện các biến chứng. Một số bệnh mạn tính kéo dài ở người cao tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa lạnh ở người cao tuổi.